Cần tập trung toàn diện cho phòng chống sốt xuất huyết

Ngày 16/8, UBND TP. Hà Nội tổ chức họp giao ban công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết và các dịch bệnh khác trên người. 

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Thu Hà phát biểu tại Hội nghị

 

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội tại buổi giao ban, tính đến ngày 11/8/2023, cả nước ghi nhận 57.698 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 14 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2022 số mắc giảm 61%, tử vong giảm 67 trường hợp (149.855 ca mắc, 81 ca tử vong).

Tính đến ngày 14/8, toàn thành phố ghi nhận 3.512 trường hợp mắc tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 440/579 xã, phường, thị trấn (chiếm 76%). Bệnh nhân có xu hướng gia tăng nhanh trong 4 tuần gần đây, trung bình mỗi tuần ghi nhận từ 500-600 trường hợp mắc; số mắc tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2022 (753 ca mắc, 0 tử vong). Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân như Thạch Thất (537 ca); Thanh Trì (342 ca); Hoàng Mai (282 ca); Bắc Từ Liêm (266 ca); Hà Đông (206 ca)… Qua kết quả kiểm tra, giám sát của ngành y tế cho thấy về cơ bản dịch sốt xuất huyết không được xử lý triệt để ngay từ ban đầu tại các địa bàn, để sót nhiều ổ bọ gậy, chỉ số bọ gậy sau xử lý đều cao vượt ngưỡng nguy cơ dẫn đến lây lan, bùng phát kéo dài.

Đối với công tác thu dung điều trị tại bệnh viện, tổng số giường kế hoạch tại các bệnh viện là 712 giường và thực kê 1.104 giường, số giường có thể bổ sung để điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết là 665. Số bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue hiện tại đang điều trị các bệnh viện là 776 bệnh nhân. Bệnh nhân nhiều nhất tại Bệnh viện đa khoa Hoài Đức (100 bệnh nhân), Bệnh viện đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội (79 bệnh nhân), Bệnh viện Thanh Nhàn (68 bệnh nhân). Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra, giám sát công tác thu dung, điều trị, đảm bảo giường bệnh để đáp ứng điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết.

Theo nhận định tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trong thời gian tới sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, do số mắc theo tuần có xu hướng gia tăng sớm hơn so với giai đoạn cùng kỳ các năm trước khoảng 1,5 tháng và đang có xu hướng gia tăng nhanh trong 4 tuần gần đây. Bên cạnh đó, dự báo đỉnh dịch năm 2023 có thể rơi vào khoảng tháng 9-10 tương tự như những năm ghi nhận nhiều bệnh nhân như năm 2015 (15.412 ca); năm 2019 (12.255 ca); năm 2022 (19.771 ca); điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự phát triển muỗi truyền bệnh kết hợp với việc đã có nhiều ổ dịch với nhiều ca mắc trên địa bàn thành phố dẫn đến nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh.

Các quận, huyện, thị xã có số mắc sốt huyết cao hiện nay như: Thạch Thất, Bắc Từ Liêm, Đan Phượng, Hà Đông, Phú Xuyên, Thường Tín, Thanh Trì, Hoài Đức… đã có báo cáo nhanh về các biện pháp triển khai phòng chống dịch trên địa bàn, khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng chống dịch. Điển hình tại Thạch Thất 2 xã có ổ dịch phức tạp, kéo dài, ghi nhận nhiều bệnh nhân là xã Phùng Xá (thôn Vĩnh Lộc và thôn Bùng) và xã Hữu Bằng (thôn Sen và thôn Bàn). Đây là các làng nghề người dân chưa quan tâm đến công tác diệt bọ gậy chủ động phòng sốt xuất huyết. Hay tại quận Bắc Từ Liêm tập trung nhiều trường học, nhiều nhà trọ, sinh viên các trường đại học, cao đẳng từ các tỉnh lân cận bắt đầu về Hà Nội nhập học làm gia tăng số lượng đối tượng cảm nhiễm với bệnh.

Tại buổi giao ban, đồng chí Vũ Thu Hà, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội ghi nhận và đánh giá cao Sở Y tế Hà Nội đã có những chỉ đạo quyết liệt, sát sao công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Hiện nay, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, Phó Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu các Sở, ban, ngành, các quận, huyện, thị xã chủ động rà soát lại toàn bộ các điều kiện phòng chống dịch bệnh theo phương châm 4 tại chỗ với 4 nhóm biện pháp cơ bản.

Trong đó tập trung tuyên truyền sâu rộng đến từng người dân, từng hộ gia đình các biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết. Thực hiện tổng vệ sinh môi trường gắn với tổng vệ sinh môi trường tại từng khu dân cư, từng hộ gia đình (thực hiện diệt bọ gậy, đây được xem là biện pháp đầu tiên và quan trọng nhất). Đồng thời kiểm tra, giám sát kỹ để khoanh vùng, xử lý kịp thời, dứt điểm ổ dịch, ca bệnh. Thống nhất tổng hợp báo cáo vào thứ hai hàng tuần về Ban chỉ đạo phòng chống dịch thành phố để chỉ đạo, giải quyết kịp thời vấn đề của từng địa phương.

Chủ đề liên quan:
Chia sẻ