Hà Nội dịch sốt xuất huyết liên tiếp tăng cao

Để phòng chống dịch sốt xuất huyết hiệu quả, người dân cần lật úp các dụng cụ chứa nước để vệ sinh môi trường và phòng chống dịch bệnh.

Cụ thể, theo CDC Hà Nội, trong tuần qua một số địa phương ghi nhận nhiều bệnh nhân như Thạch Thất (109 trường hợp); Hoàng Mai (35trường hợp); Bắc Từ Liêm (29 trường hợp).

Tính đến ngày 20/7, Hà Nội ghi nhận 1.556 trường hợp mắc, không có trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2022, số mắc tăng 4,1 lần (377 mắc).

Tích cực trong công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương đề nghị UBND các quận/huyện/thị xã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và các lực lượng liên quan tiếp tục tăng cường công tác xử lý ca bệnh, ổ dịch đảm bảo hiệu quả, triệt để, không để ổ dịch diễn biến kéo dài. Đồng thời có biện pháp kiên quyết xử lý với các hộ gia đình, cơ quan, đơn vị còn để tồn tại các yếu tố nguy cơ gây dịch sốt xuất huyết; tăng cường công tác truyền thông để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống, khám và điều trị kịp thời khi có biểu hiện nghi mắc bệnh, hạn chế tối đa ca nặng và tử vong.

Ghi nhận trên địa bàn huyện Chương Mỹ đến nay có 28 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Huyện Chương Mỹ đã tổ chức ra quân tổng vệ sinh môi trường, các xã/thị trấn. Bên cạnh đó, cán bộ của Trung tâm y tế huyện và cán bộ trạm y tế, y tế thôn theo dõi, giám sát và hướng dẫn chuyên môn vệ sinh môi trường diệt bọ gậy và hướng dẫn ghi chép chỉ số bộ gậy cho thành viên các tổ xung kích ở thôn. Các lực lượng nòng cốt từ các đoàn thể là Hội phụ nữ, nông dân, đoàn thanh niên cũng tích cực tham gia.

Theo đại diện Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ cho biết, nhiều xã đã huy động cả các em học sinh đang nghỉ hè tham gia quét dọn đường làng, ngõ xóm, thu gom, khơi thông cống rãnh, dọn cỏ, làm đẹp cảnh quan các khu trung tâm, nhà văn hóa các thôn, các con đường hoa. Đồng thời, các đội xung kích đã được thành lập ở các thôn, xóm, đi đến từng gia đình người dân theo địa bàn phụ trách để tuyên truyền, hướng dẫn ngưởi dân thu gom các loại phế thải, lật úp các dụng cụ chứa nước không dùng đến như: Chum vại, ống bơ, chai lọ để phá bỏ nơi sinh sản của bọ gậy, muỗi, nguyên nhân truyền bệnh sốt xuất huyết và hướng dẫn xử lý làm sạch các bể chứa nước ăn, bể cảnh... Qua đó nâng cao nhận thức của người dân trong việc chủ động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, đài truyền thanh các xã/thị trấn cũng tổ chức tuyên truyền về bệnh sốt xuất huyết, các biện pháp phòng chống và vận động nhân dân tham gia tích cực vào công tác vệ sinh môi trường với phương châm “Nhà nhà tự diệt muỗi, bọ gậy phòng, chống bệnh sốt xuất huyết cho mình, cho gia đình và cộng đồng.

Phun hóa chất để phòng chống dịch sốt xuất huyết hiệu quả.

 

Tại huyện Thạch Thất, đến nay đã ghi nhận 109 trường hợp, huyện Thạch Thất cũng đã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh như điều tra, giám sát các ổ dịch; tổ chức tổng vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành. Tăng cường tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại gia đình mình, bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.

Theo CDC Hà Nội, dự báo tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết vẫn diễn biến hết sức phức tạp, số mắc sốt xuất huyết có thể tiếp tục gia tăng và xuất hiện thêm các ổ dịch, đặc biệt tại các khu vực ổ dịch cũ, các xã, phường có diễn biến dịch các năm phức tạp. Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt, tích cực của ngành y tế huyện cùng cả hệ thống chính trị, người dân cần phối hợp, vào cuộc tích cực, chủ động nâng cao ý thức vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, bọ gậy. Nhất là trong bối cảnh hiện nay thời tiết nóng ẩm mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sôi, phát triển, cần chủ động lật úp các vật dụng chứa nước tại gia đình mình, loại bỏ các phế thải, phế liệu chứa nước... Khi có một trong những biểu hiện sốt, đau đầu, nhức hai hố mắt, có thể có nổi mẩn, phát ban, da xung huyết, chán ăn, buồn nôn, đau cơ, khớp, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị sớm.

Chủ đề liên quan:
Chia sẻ