Tổ chức khám, quản lý sức khỏe cho nhân dân
Nhằm thiết lập hồ sơ quản lý sức khỏe để người dân đều được quản lý, theo dõi, chăm sóc, tư vấn sức khỏe, điều trị hoặc được chuyển tuyến phù hợp khi có bệnh, vừa qua, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) đã tổ chức khám, quản lý sức khỏe cho nhân dân.
Vừa qua, Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Ứng Hòa đã tổ chức Khai trương khám, quản lý sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn huyện năm 2023 và chọn xã Liên Bạt khám điểm, lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn xã.
Phát biểu tại chương trình, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng - Trưởng Ban chăm sóc sức khỏe ban đầu huyện Ứng Hòa cho biết: Trong những năm qua, y tế cơ sở đã thể hiện vai trò rất quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, là “người gác cổng” chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân.
Mặt khác, y tế cơ sở là nơi người dân được tiếp cận sớm nhất khi có nhu cầu về chăm sóc sức khỏe, góp phần giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên; đồng thời đảm bảo người dân được theo dõi, chăm sóc toàn diện liên tục, phối hợp và lấy bệnh nhân làm trung tâm, hướng tới dự phòng cho cộng đồng.
Việc khám sức khỏe cho người dân là cần thiết để phát hiện sớm bệnh tật và có cơ sở dữ liệu ban đầu lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho mỗi người dân. Trên cơ sở phần mềm quản lý khám chữa bệnh HIS - LIS - PACS do Trung tâm Y tế huyện và Bệnh viện Đa khoa Vân Đình quản lý. Các thông tin về sức khỏe cá nhân được cập nhật trên phần mềm quản lý sức khỏe và sẽ được làm giàu thêm dữ liệu khi có sự liên thông kết nối với các nền tảng quản lý khác như: Tiêm chủng, phần mềm khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, phần mềm quản lý dân cư... theo Đề án 06 của Chính phủ.
Việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử giúp cho ngành Y tế có được dữ liệu về sức khỏe của người dân đầy đủ, chính xác và kịp thời. Trên cơ sở dữ liệu về sức khỏe của từng người dân mà việc tổng hợp, phân tích dữ liệu thông tin sẽ giúp ngành Y tế có các chỉ đạo rất kịp thời về phòng chống dịch bệnh, y tế dự phòng và có được các dự báo, hoạch định chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân tốt hơn vì có những bằng chứng thực tiễn, có cơ sở khoa học hơn.
Huyện Ứng Hòa phấn đấu đến hết năm 2023, tối thiểu 40% đến 50% người dân trên địa bàn huyện được khám, quản lý sức khỏe, được lập hồ sơ sức khỏe điện tử; năm 2024, 80% người dân trên địa bàn huyện được khám, quản lý sức khỏe, lập hồ sơ sức khỏe điện tử; năm 2025, 100% người dân trên địa bàn huyện được khám, quản lý sức khỏe, lập hồ sơ sức khỏe điện tử. Lộ trình thực hiện được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 bắt đầu từ tháng 6, 7/2023 và giai đoạn 2 bắt đầu từ tháng 8/2023 - 2025.
Ngay sau buổi khai trương, toàn bộ người dân trên địa bàn xã Liên Bạt đã được đội ngũ y, bác sĩ của Trung tâm Y tế huyện Ứng Hòa, Bệnh viện Đa khoa Vân Đình, Trung tâm Y tế huyện tổ chức khám, lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho người dân gồm: Đo huyết áp, nhịp thở, thị lực, tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, xét nghiệm máu, cơ xương khớp, tai - mũi - họng... Bên cạnh đó, người dân còn được tư vấn, giải đáp những thắc mắc về tình hình sức khỏe, cách thức điều trị và chế độ dinh dưỡng.
Từ kết quả khám sàng lọc, nếu phát hiện trường hợp mắc bệnh nặng, huyện sẽ chỉ đạo cơ sở y tế quan tâm kiểm tra, tư vấn cho người bệnh, trường hợp cần chuyển tuyến thì giúp đỡ bệnh nhân liên hệ với các bệnh viện chuyên khoa tuyến trên để điều trị kịp thời. Ngay sau khi khám xong, người dân được hướng dẫn cài App (ứng dụng) trên điện thoại thông minh để có thể tra cứu ngay kết quả và theo dõi thông tin sức khỏe của bản thân.
Hồ sơ sức khỏe này sẽ được sử dụng cho những lần khám bệnh sau và theo người dân trọn đời. Huyện sẽ đồng bộ hóa những dữ liệu sức khỏe của người dân vào hệ thống quản lý sức khỏe toàn dân. Từ đó làm cơ sở để kiểm soát, sàng lọc, tư vấn, chăm sóc tốt hơn sức khỏe người dân trên địa bàn.
Để công tác khám, quản lý sức khỏe cho nhân dân đạt hiệu quả cao, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng đề nghị Trung tâm Y tế huyện phối hợp với Bệnh viện Đa khoa Vân Đình... tổ chức khám, lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho người dân trên địa bàn xã Liên Bạt khoa học, hiệu quả.
Đồng thời, cập nhật thông tin về sức khỏe của người dân vào hồ sơ sức khỏe điện tử; các cơ quan, ban ngành, đoàn thể từ huyện đến xã, thị trấn huy động các hội viên, đoàn viên, lực lượng tham gia hỗ trợ công tác lập danh sách, gửi giấy mời, tuyên truyền vận động người dân đến khám và hỗ trợ nhập dữ liệu vào phầm mềm; UBND các xã, thị trấn chủ động tuyên truyền cho người dân trên địa bàn hiểu lợi ích của việc quản lý sức khỏe toàn dân và tích cực tham gia khám sức khỏe.