Hà Nội đã ghi nhận 3 ca tử vong do sốt xuất huyết
Theo báo cáo, tính đến hết ngày 12/9/2023 toàn Thành phố ghi nhận 9.780 ca mắc sốt xuất huyết tại 30/30 quận, huyện, thị xã, 528/579 xã, phường, thị trấn (chiếm 90% số xã, phường, thị trấn). Đặc biệt đã ghi nhận 03 trường hợp tử vong tại Hà Đông, Hoàn Kiếm và Quốc Oai. Toàn thành phố ghi nhận 599 ổ dịch, trong đó 399/599 (chiếm 67%) ổ dịch đã được khống chế, còn 200 ổ dịch đang hoạt động.
Đối với COVID-19, tình hình dịch đã được kiểm soát tốt, số mắc giảm rõ rệt, trung bình mỗi tuần chỉ ghi nhận 10-20 trường hợp mắc. Tích lũy toàn thành phố ghi nhận 19.595 ca mắc, chưa ghi nhận tử vong. Ngoài ra, toàn thành phố ghi nhận 1.401 ca mắc tay chân miệng, 15 ca mắc liên cầu lợn trong đó 02 trường hợp tử vong tại huyện Ba Vì và Thanh Xuân. Đối với các dịch bệnh khác: Uốn ván người lớn ghi nhận 20 trường hợp mắc; Rubella ghi nhận 06 trường hợp mắc…
Ngay từ đầu năm 2023, Sở Y tế ban hành các kế hoạch về công tác phòng chống dịch bệnh năm 2023 trên địa bàn Thành phố; phân công cụ thể vai trò, trách nhiệm của các đơn vị trong ngành trong hoạt động phòng chống dịch bệnh. Chỉ đạo TTYT các quận, huyện, thị xã tham mưu chính quyền địa phương tiếp tục xây dựng, triển khai kế hoạch/đề án chủ động phòng chống sốt xuất huyết với phương châm ‘‘4 tại chỗ” và chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp thực hiện đầy đủ các biện pháp chủ động phòng chống dịch. Tham mưu UBND Thành phố tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết (15/6/2023), tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng cấp Thành phố tại huyện Hoài Đức (ngày 12/6/2023).
Đồng thời thành lập 03 đoàn kiểm tra do Lãnh đạo Sở Y tế làm trưởng đoàn, thực hiện kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết và trực tiếp làm việc với Ban chỉ đạo PCD 30 quận, huyện, thị xã để đôn đốc, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết.
Trong Công tác giám sát dịch bệnh sốt xuất huyết, Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội đã phối hợp cùng với TTYT các quận, huyện, thị xã tổ chức giám sát ca bệnh, giám sát ổ dịch và giám sát tình hình muỗi truyền bệnh để đánh giá nguy cơ và cảnh báo dịch.
Theo đó, trong 8 tháng đầu năm đã thực hiện giám sát chủ động tại 69 bệnh viện trong và ngoài công lập (hơn 4.800 lượt giám sát, trung bình 2 lượt/tuần/cơ sở). Kết quả đã phát hiện 8.362 ca bệnh Sốt xuất huyết và 3.420 ca bệnh các loại khác (Tay chân miệng, liên cầu lợn, Thủy đậu…).
Tổ chức lấy 20 mẫu xét nghiệm PCR xác định týp virus lưu hành, kết quả 16/20 mẫu dương tính. Trong đó: 12 mẫu dương tính DEN 1 và 04 mẫu dương tính DEN 2.
Các đơn vị thường xuyên phối hợp tổ chức giám sát côn trùng SXH tại các khu vực nguy cơ, khu vực ổ dịch. Cộng dồn đến ngày 08/9/2023, đã giám sát 698 lượt điểm thuộc 5 khu vực theo đặc điểm nhà ở, dân cư; kết quả có 341/698 (chiếm 49%) số lượt điểm có chỉ số vượt ngưỡng nguy cơ.
Công tác giám sát ổ dịch cũ được thực hiện theo đúng kế hoạch. Trong năm 2023, Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã đã giám sát 1.432/1.432 ổ dịch cũ (đạt 100% kế hoạch); kết quả có 191/1.432 (chiếm 13,34%) số lượt điểm có chỉ số vượt ngưỡng nguy cơ.
Ngoài ra, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội đã thực hiện 66 lượt giám sát công tác điều tra, xử lý ổ dịch sốt xuất huyết tại 52 ổ dịch năm 2023. Kết quả 54/66 (chiếm 82%) lượt điểm được giám sát có kết quả xử lý ổ dịch chưa hiệu quả, chỉ số muỗi, chỉ số bọ gậy vượt ngưỡng nguy cơ sau xử lý.
Đối với các dịch bệnh khác, thực hiện giám sát chặt chẽ tình hình dịch tại bệnh viện và cộng đồng, ngoài bệnh sốt xuất huyết còn tập trung vào các dịch bệnh như: COVID-19, Liên cầu lợn, Dại, Tay chân miệng, Viêm não Nhật Bản, Ho gà, Sởi/Rubella… Chủ động giám sát sức khỏe hành khách nhập cảnh tại Sân bay quốc tế Nội Bài bằng máy đo thân nhiệt để phát hiện sớm và tổ chức cách ly các trường hợp có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm (đặc biệt là hành khách đến từ các quốc gia lưu hành dịch bệnh: Ebola, Marburg, Mers-CoV, Đậu mùa khỉ). Tổ chức tốt các buổi tiêm chủng thường xuyên hàng tháng nhằm chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng bệnh như: Ho gà, Viêm não Nhật Bản, Sởi/Rubella…
Tại hội nghị, đại diện các bệnh viện Đống Đa, Hà Đông, Xanh Pôn, Thanh Nhàn… đã báo cáo nhanh về tình hình tiếp nhận và điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố. Sau đó, các thành viên Ban chỉ đạo đã cùng trao đổi, tháo gỡ những thuận lợi, khó khăn trong công tác dự phòng cũng như công tác điều trị bệnh nhân trong thời gian vừa qua.
Phát biểu kết luận hội nghị, TS Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế đề nghị tất cả các đơn vị cùng quyết liệt hơn nữa trong công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch sốt xuất huyết. Giám đốc Sở yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố cùng các TTYT quận/huyện/thị xã chủ động giám sát ca bệnh, giám sát ổ dịch, giám sát tình hình muỗi truyền bệnh, tích cực xử lý ổ dịch ngay khi có ca bệnh được ghi nhận. Đề nghị TTYT các quận/huyện/thị xã tham mưu cho chính quyền địa phương các biện pháp phòng chống dịch. Chủ động thực hiện các chiến dịch vệ sinh môi trường, tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong phòng bệnh. Bên cạnh đó, với công tác điều trị bệnh nhân, Giám đốc Sở nhấn mạnh các đơn vị cần chú trọng công tác phân luồng, phân tuyến điều trị, chủ động phát hiện sớm, kịp thời phát hiện những dấu hiệu cảnh báo nặng để điểu trị tích cực, hạn chế thấp nhất ca bệnh tử vong. Đồng thời, rà soát hóa chất, máy móc, vật tư tiêu hao… trong công tác dự phòng; rà soát và bổ sung các loại thuốc, chế phẩm máu… trong điều trị sốt xuất huyết. Xây dựng chiến lược sử dụng vắc xin phòng bệnh trong và ngoài chương trình tiêm chủng mở rộng, rà soát quy trình bảo quản vắc xin tại các đơn vị y tế.